TTO - Đây là chỉ đạo được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 về công tác phòng chống dịch bệnh.
Hơn 10 tấn bắp cải được vận chuyển từ Hải Dương vào TP.HCM để tiêu thụ - Ảnh: NHẬT THỊNH
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết việc ách tắc hàng hóa thời gian ban đầu tại Hải Dương là kinh nghiệm cho các địa phương khác. Hiện Bộ Công thương đã kết nối với các đơn vị tiêu thụ lớn, tập đoàn bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa cho Hải Dương. Tuy nhiên, ông An cho rằng vướng không phải do nhu cầu không có, chuỗi siêu thị không nhiệt tình mà là do vấn đề vận tải.
Trước đó, dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn về vận tải hàng hóa an toàn nhưng có tình trạng các tỉnh hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau. Đến nay, vấn đề cơ bản đã được xử lý nhưng cần rút kinh nghiệm bởi đại diện Bộ Công thương cho rằng việc tháo gỡ để hàng hóa lưu thông là điều kiện căn bản để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng cho rằng việc bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng nhưng không thể vì chống dịch mà ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân. Do đó, nếu không giải quyết sớm thì dứt khoát là ảnh hưởng tới tăng trưởng phát triển nên Thủ tướng yêu cầu trong tiêu thụ hàng hóa, thông thương không được "ngăn sông cấm chợ".
Theo đó, Bộ Công thương chủ trì, cùng với Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch vừa không để ách tắc.
Đối với các tỉnh đang có dịch, chủ tịch UBND tỉnh có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể của địa phương, giao quyền cho địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa phương mình như phong tỏa, thực hiện các chỉ thị 15, 16… tùy tình hình địa phương và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định, xem xét cụ thể để không ách tắc.
Hải Phòng "nới tay"với Hải Dương
Theo UBND TP Hải Phòng, trong khi chờ Bộ Công thương ban hành quy trình lưu thông hàng hóa ra vào vùng dịch bệnh, từ 20h ngày 24-2, các phương tiện vận tải hàng hóa được lưu thông trên quốc lộ 5 (khuyến khích các phương tiện không nhận, trả hàng tại Hải Dương không đi qua quốc lộ 5).
Trước đó, từ nhiều ngày nay lượng xe tải trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng đột biến gây ùn tắc tại nút giao quốc lộ 10. Việc cho phép xe chở hàng đi qua quốc lộ 5 để ra vào Hải Phòng sẽ giúp giảm tải, giải quyết vấn đề này.
Các xe vận tải hàng hóa từ Hải Dương vào thành phố phải có hợp đồng, đơn hàng (nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng...) và lái xe, phụ xe phải có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR tại các đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 trong thời gian 5 ngày gần nhất.
Các lái xe và phụ xe chở hàng hóa từ Hải Phòng đi các địa phương khác phải có giấy xác nhận ghi rõ tên lái xe và phụ xe của chủ phương tiện hoặc UBND cấp xã. Các chủ phương tiện và chủ giao nhận hàng giám sát việc lái xe, phụ xe áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 và chịu trách nhiệm khi lái xe, phụ xe làm lây lan dịch bệnh COVID-19 trong quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa. Ngoài ra, Hải Phòng cũng bỏ quy định chủ phương tiện tại Hải Phòng phải bố trí chỗ ở tập trung.
Nhiều nơi "giúp" Hải Dương
Chốt kiểm soát dịch ở TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương)- Ảnh: CHÍ TUỆ
Liên quan tình hình lưu thông hàng hóa tại Hải Dương, ông Phạm Thanh Hải - giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương - cho biết hiện các địa phương như Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh... đều đã tạo thuận lợi cho lưu thông, tiêu thụ hàng hóa "rất mạnh" cho địa phương.
Cũng theo ông Hải, Bộ Y tế cần xem xét lại điều kiện phòng chống dịch đối với tài xế vận chuyển hàng hóa, bởi theo công văn số 898 ngày 7-2-2021 của Bộ Y tế thì phải tổ chức xét nghiệm COVID-19 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về).
"Trong khâu vận tải, xe chuyển hàng nông sản của Hải Dương có thể đến từ nhiều tỉnh, thành phố và có thể đi qua nhiều tỉnh, thành phố khác. Vậy tài xế phải lấy xét nghiệm PCR ở đâu thì chưa có hướng dẫn.
Việc lấy mẫu xét nghiệm này cũng không cần thiết, bởi các lái xe thường ở doanh nghiệp và Bộ Y tế đã để các doanh nghiệp phải tự đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch và phải đủ điều kiện mới được hoạt động.
Do đó, thay vì yêu cầu lái xe phải có xét nghiệm PCR âm tính COVID-19 như công văn số 898 thì Bộ Y tế có thể yêu cầu tài xế phải kiểm tra COVID-19 sau 5-7 hoặc 10 ngày sẽ hợp lý hơn" - ông Hải nêu.
Nông sản Hải Dương có thể vào Hải Phòng
Tối 24-2, Hải Phòng cho biết hàng hóa từ Hải Dương được vào TP Hải Phòng, không yêu cầu chỉ cho nông sản phục vụ xuất nhập khẩu như trước nữa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ trong ngày 24-2, đại diện một doanh nghiệp chế biến nông sản tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết sáng cùng ngày tài xế của đơn vị có thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, có kết quả xét nghiệm âm tính của CDC Hải Dương chở hàng nông sản từ cơ sở để cung cấp cho một số siêu thị, khu trung tâm thương mại tại Hải Phòng nhưng không được qua chốt kiểm soát nên phải quay đầu xe trở lại.
Hải Phòng 'mở' hơn đối với xe chở hàng từ Hải Dương
TTO - Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng thống nhất cho phép lái xe, phụ xe chở hàng hóa từ Hải Dương dùng giấy xét nghiệm COVID-19 trong thời gian 5 ngày và phương tiện chở hàng hóa được đi qua quốc lộ 5.
N.AN-TTHẮNG