Nhiều nhà đầu tư đang thiệt hại nặng sau khi ông Quyết "bán chui" cổ phiếu. Trong ảnh: trụ sở FLC tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia cho rằng từ vụ việc này cần thúc đẩy xử lý nghiêm nhiều hoạt động không lành mạnh khác, nhất là làm giá cổ phiếu.Sẽ tăng giám sát, chống thao túng giá chứng khoán
Ngày 18-1, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết với mức phạt tiền 1,5 tỉ đồng theo nghị định 156/2020 của Chính phủ.
Ngoài ra, ông Quyết còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
SSC cũng thông tin đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vụ việc. Để đảm bảo tính nghiêm minh của thị trường, SSC khẳng định trong năm 2022 và những năm tiếp theo cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn công tác giám sát giao dịch, chủ động phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường, giao dịch nội bộ, thao túng giá chứng khoán.
SSC còn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm; phối hợp xác minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán; phối hợp với cơ quan quản lý trong giám sát việc tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường.
Theo thông tin từ Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã chấp hành quyết định xử phạt của SSC. Ngay sau khi nhận được thông báo, ông Quyết đã nộp phạt 1,5 tỉ đồng, đồng thời phối hợp chấp hành các quyết định khác liên quan.
Theo tập đoàn này, xét về mặt cấu trúc sở hữu nói chung tại FLC, sự cố giao dịch nói trên đã được khắc phục và cơ cấu sở hữu tại doanh nghiệp sẽ không có nhiều biến động lớn.
Trước khi xảy ra phi vụ "bán chui", ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn của tập đoàn. Sau khi hủy giao dịch, tất nhiên tỉ lệ sở hữu của ông Quyết tại FLC không thay đổi.
Nên nâng mức phạt
Nhiều ý kiến cho rằng sau việc xử phạt ông Quyết còn nhiều việc cần làm. "Âm hết rồi, không dám mở bảng điện để xem giao dịch, cảm giác sợ nhìn vào tài khoản" - anh N. (nhà đầu tư) chia sẻ khi đang nắm giữ cổ phiếu FLC và ROS.
Với thông tin mức phạt ông Quyết 1,5 tỉ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng, nhà đầu tư N. đặt vấn đề: "Cổ phiếu của nhà đầu tư "bị nhốt" không bán được, thiệt hại này tính sao?".
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng việc xử phạt ông Quyết như trên đã thể hiện tính nhân đạo, cho người vi phạm cơ hội sửa sai. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần xem xét để thống nhất xử phạt hành chính theo tỉ lệ phần trăm giao dịch vi phạm, bỏ việc áp mức "trần" như hiện nay.
Cụ thể, các quy định hiện nay đang áp mức phạt 5 - 250 triệu đồng đối với những giao dịch "chui" có tổng giá trị theo mệnh giá từ 50 triệu đồng đến dưới 10 tỉ đồng, phạt 3 - 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế đối với những giao dịch "chui" từ 10 tỉ đồng trở lên, tuy nhiên lại ràng mức "trần" phạt tối đa 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân.
Trường hợp ông Quyết "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu có thể bị phạt 22,4 - 37,4 tỉ đồng, thay vì chỉ phạt 1,5 tỉ đồng, trong khi nếu trót lọt khoản thu về cả ngàn tỉ đồng.
Vì vậy, theo ông Truyền, việc bỏ "trần" và áp mức phạt theo tỉ lệ phần trăm trên tổng giá trị giao dịch sẽ mang đến tính răn đe cao cho người bình dân lẫn "đại gia", đồng thời không bị sự phát triển của kinh tế làm thay đổi bản chất.
Phạt 21 tỉ đồng vi phạm chứng khoán trong năm 2021
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ban hành hơn 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trong năm 2021, tăng hơn 80 vụ so với năm trước. Số tiền thu được từ xử phạt trong năm 2021 đạt xấp xỉ 21 tỉ đồng, tăng khoảng 6% so với năm trước.
Các vi phạm phổ biến bị phạt trong năm 2021 là báo cáo không đúng thời hạn về kết quả giao dịch, không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch, không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật, công bố sai lệch thông tin…
Trong năm qua, ủy ban cũng phạt vụ thao túng giá cổ phiếu tại FTM (Fortex - Đầu tư và phát triển Đức Quân), TAR (Fortex - Nông nghiệp và công nghệ cao Trung An), TGG (Xây dựng và đầu tư Trường Giang - nay đổi tên thành Louis Capital) với tổng số tiền 2,3 tỉ đồng, áp dụng lên các đối tượng dùng nhiều tài khoản để liên tục mua bán tạo cung cầu giả nhằm thao túng cổ phiếu.
Đáng chú ý, theo SSC, ở trường hợp cổ phiếu FTM, ông Lê Mạnh Thường - nguyên chủ tịch hội đồng quản trị của Fortex - đã cùng một người nữa dùng 50 tài khoản tạo cung cầu giả nhằm thao túng. Trước đó, ông này từng trả lời với truyền thông rằng bản thân cảm thấy bất ngờ trước thông tin bị tố thao túng.
Cổ phiếu "họ FLC" mất thanh khoản
Chỉ trong phiên 18-1 có xấp xỉ 950 triệu cổ phiếu "họ FLC" dư bán sàn. Tính từ phiên "bán chui" đến nay, riêng mã FLC bị giảm hơn 38% giá trị, hiện nằm giá sàn 13.950 đồng/cổ phiếu, dư bán sàn hơn 333,6 triệu cổ phiếu - tương đương hơn 4.640 tỉ đồng theo thị giá.
Trong 6 thành viên khác thuộc "họ FLC", trừ mã GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC) vẫn giữ sắc đỏ, các mã còn lại đều bị nằm sàn, trắng bên mua, mất thanh khoản như: ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS).
Lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn cho biết việc xử phạt ông Quyết có thể làm ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ cổ phiếu thuộc "hệ sinh thái" FLC.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng thời gian tới dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm này vì khi lệnh đóng băng tài khoản ông Quyết được dỡ bỏ thì tiền thuận tiện chuyển sang tài khoản khác.
Ông Nguyễn Hoàng Hải (tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính - VAFI):
Xử lý cả vấn nạn thổi giá cổ phiếu
Nhiều cổ phiếu bị thổi giá tăng thời gian qua, dù làm ăn bết bát. Trong ảnh: tại một công ty chứng khoán ở TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI
Trong vụ ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị liên quan đã vào cuộc nhanh chóng. Tuy nhiên, ủy ban cũng cần phải đưa ra các biện pháp, phương án khắc phục hậu quả, phải tính toán đến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp sau sự vụ này.
Với Công ty CP chứng khoán BOS (mã chứng khoán ART), cần làm rõ có hay không việc các nhân sự của công ty chứng khoán biết luật nhưng phạm luật, cố tình tiếp tay để "bán chui" cổ phiếu. Nếu có thì Ủy ban Chứng khoán phải xử phạt nghiêm khắc.
Tuy nhiên, không nên chỉ dừng lại ở vụ xử phạt ông Trịnh Văn Quyết. Thời gian qua, nhiều cổ phiếu đầu cơ bị "bơm vá", thổi phồng so với giá trị thực, "chuyền bom" từ người này qua người khác, cần có giải pháp xử lý.
Nếu không có chế tài đủ tính răn đe, "quả bom" cổ phiếu đầu cơ có khả năng nổ bất cứ lúc nào, khiến nhiều người rời bỏ và xem chứng khoán là canh bạc trong khi đây là thị trường vốn quan trọng, chân chính để giúp doanh nghiệp phát triển.
Ngay cả những người có hiểu biết tài chính, hiểu rằng mua cổ phiếu rác sẽ bị rủi ro cao vì bị làm giá nhưng vẫn lao đầu vào vì nghĩ rằng mình vô vài ngày kiếm được lời rồi "chuyền bom", bán ra cho người khác để rút khỏi cuộc chơi, chạy được trước. Nhưng với thực tế hiện nay, nhiều người phải nghĩ lại, nhiều người "ôm bom" đều bị "nổ" chứ không phải ai khác.
Nhiều cổ phiếu đầu cơ đã bị "bơm thổi" bằng rất nhiều thông tin. Thủ đoạn và cách thức "thổi" giá cổ phiếu ngày càng tinh vi, có tổ chức.
Doanh nghiệp làm ăn bết bát nhưng vẫn vẽ ra được báo cáo tài chính với doanh thu và lợi nhuận giả, nâng khống vốn điều lệ so với thực tế. Chưa kể việc các "ông chủ" có thể mua công ty chứng khoán để làm công cụ cho mình, phục vụ hoạt động tự doanh, tung tin tốt và hô hào mua.
Để tạo cung cầu giả, không loại trừ trường hợp công ty chứng khoán tạo ra những "nhà đầu tư nước ngoài" giả bằng cách mượn thông tin cá nhân, chứng minh nhân dân của những người Việt định cư ở Lào, Campuchia… và nhiều nước khác để tạo tài khoản giao dịch.
Điều thuận lợi khi có thể "hô mưa gọi gió" ở một công ty chứng khoán riêng là thực hiện các giao dịch trong bí mật, mua bán cả chục triệu, trăm triệu cổ phiếu mà vẫn có thể không bị lộ.
BÔNG MAI ghi
Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt 1,5 tỉ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng
TTO - Ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC - bị phạt tiền 1,5 tỉ đồng và bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng do bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo.
BÔNG MAI - LÊ THANH