Tình trạng mụn trứng cá xuất hiện hoặc tăng lên ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt là do sự thay đổi hormone. Cụ thể, lúc này hormone estrogen ở phụ nữ giảm đi và lượng hormone testosterone tăng lên khiến tuyến bã nhờn hoạt động quá sức, tiết dầu nhiều cũng như làm da sưng phồng và co lỗ chân lông. Điều này dẫn đến tắc lỗ chân lông và hình thành mụn trứng cá.
Ảnh minh họa
Tình trạng da nổi mụn trong kỳ kinh nguyệt ở mỗi người là khác nhau, tuy nhiên, không phải tất cả những người bị nổi mụn đều do sự thay đổi hormone. Một nguyên nhân khác khiến tình trạng này trầm trọng hơn là lối sống của mỗi người. Trong đó có 4 hành động sai lầm nhiều người thực hiện hàng ngày mà không hay biết tác hại.
Ăn quá nhiều đường
Ở bất kỳ thời điểm nào, thói quen ăn nhiều đường cũng dễ gây mụn trứng cá. Theo nghiên cứu năm 2019 của Trường Đại học Trung Nam (Trung Quốc), trên 8.000 người, cho thấy tiêu thụ đồ ngọt hàng ngày làm tăng đáng kể nguy cơ mụn trứng cá từ trung bình đến nặng, nhất là khi tiêu thụ hơn 100 g đường mỗi ngày.
Tuy nhiên, tình trạng sẽ trầm trọng hơn vào kỳ kinh nguyệt. Đường làm nồng độ insulin trong máu tăng cao, kích thích hormone androgen hoạt động gây tăng tiết bã nhờn. Trong khi lúc này testosterone tăng cao đã khiến tuyến bã nhờn hoạt động quá mức. Làn da ở những ngày này cũng nhạy cảm, dễ viêm nhiễm hơn, làm tăng hiện tượng đau và sưng nóng, khiến mụn chậm lành, dễ để lại sẹo thâm.
Vì vậy, tốt nhất là nên ăn ít đường lại trước và trong kỳ kinh nguyệt, nhất là với những người có làn da nhạy cảm, dễ nổi mụn khi “đèn đỏ” hoặc đang có mụn trứng cá.
Ảnh minh họa
Thức khuya
Những ngày "đèn đỏ" thường đi kèm cảm giác khó chịu, mệt mỏi khiến nhiều người cảm thấy khó ngủ hơn. Đây chính là thời cơ cho mụn bùng phát. Kể cả khi không bị mọc mụn, việc thức khuya trong kỳ kinh nguyệt cũng khiến da xấu đi nhanh hơn ngày thường.
Trong thời kỳ kinh nguyệt, cơ thể nữ giới suy giảm miễn dịch, nhạy cảm, mệt mỏi và dễ rối loạn hormone hơn. Trong khi thức khuya khiến cơ thể mệt mỏi và tăng tiết cortisol làm tăng tốc độ oxy hóa của những axit béo tự do có trong tế bào để tạo ra nguồn năng lượng cho cơ thể. Điều này sẽ làm kích thích sự phát triển của các tuyến bã nhờn dẫn tới nổi mụn trong kỳ kinh nguyệt.
Bên cạnh đó, căng thẳng quá mức và suy giảm miễn dịch cũng làm giảm khả năng kháng viêm, tự sửa chữa tổn thương trên da nên mụn mọc nhanh, nhiều và lâu lành hơn.
Cấp ẩm hoặc làm sạch quá mức
Do tuyến bã nhờn tăng hoạt động trong kỳ kinh nguyệt nên nhiều chị em cảm thấy khó chịu, muốn rửa mặt nhiều hơn. Nhưng việc làm sạch quá mức vào bất kỳ thời điểm nào cũng phản tác dụng.
Nổi mụn trong kỳ kinh nguyệt là do hormone chứ không phải do da bẩn. Nếu việc lau rửa da, chà sát da quá mạnh hoặc lạm dụng hóa chất sẽ khiến da tổn thương, dễ viêm và gây mụn cũng như tình trạng mụn lan rộng hơn.
Ngoài ra, việc sử dụng mỹ phẩm nhiều trong thời điểm này cũng không phù hợp vì có thể gây kích ứng cũng như mọc mụn, viêm da.
Ảnh minh họa
Dùng đồ uống có cồn hoặc caffeine
Nhiều phụ nữ có xu hướng uống nhiều đồ uống có cồn hay caffeine như rượu bia, trà, cà phê,... trong những ngày "đèn đỏ". Các loại nước này giúp tỉnh táo, tập trung làm việc và chống đỡ trước những cảm giác khó chịu kỳ kinh nguyệt mang lại.
Tuy nhiên, nhóm đồ uống này dễ khiến cơ thể bị mất nước gây mệt mỏi, uể oải, da bị thiếu nước gây khô ráp, thâm sạm, bong tróc. Đồng thời, kích thích bã nhờn nhiều hơn, làm cản trở quá trình phục hồi của da sau mụn, mụn quay trở lại liên tục.
Thay vào đó, bác sĩ Zhang Yuxi (Đài Loan, Trung Quốc) khuyến nghị chị em nên nghỉ ngơi nhiều hơn, giữ tinh thần ổn định, ngủ sớm dậy sớm và vận động nhẹ nhàng. Nếu muốn giảm mụn, hãy uống nhiều nước hơn, bổ sung thực phẩm chứa kẽm, ăn thêm thực phẩm họ đậu, bổ sung axit béo Omega-3, ăn thêm rau xanh và quả mọng.
Phương Anh (Theo Top Beauty)