Phát hiện mắc bệnh tiểu đường nhưng không đến viện điều trị, bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch sau khi tự mua thuốc về uống.
Sáng 21/10, ThS.BSCKII Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thống nhất, TP.HCM cho biết trong tuần qua, đơn vị này tiếp nhận 2 trường hợp nhập viện nguy kịch và tử vong do uống thuốc trôi nổi chữa bệnh tiểu đường.
Cụ thể, nữ bệnh nhân 67 tuổi, ngụ TP.HCM, mắc tiểu đường type 2 hơn 10 năm và uống liên tục thuốc có chữ Trung Quốc trên bao bì. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toan chuyển hóa, suy hô hấp, suy thận nặng. Sau thời gian lọc máu và điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn chuyển biến nặng, nguy cơ tử vong cao. Chiều 20/10, gia đình xin đưa bệnh nhân về.
Nữ bệnh nhân qua cơn nguy kịch sau thời gian điều trị tích cực. Ảnh: BVCC.
Trước đó, các bác sĩ đã tiếp nhận bệnh nhân 60 tuổi, ngụ tại TP.HCM, phát hiện mắc tiểu đường type 2 hơn một năm. Bệnh nhân không nhập viện điều trị mà tự mua loại thuốc nén có tên Tiểu đường hoàn để uống. Ngày 16/10, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, toan chuyển hóa nặng. Bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa, xử lý bù kiềm. Sau 2 ngày, bệnh nhân ổn định sức khỏe.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh cho biết 2 năm nay, đơn vị này tiếp nhận khoảng trên 10 trường hợp nhập viện nguy kịch do dùng thuốc chữa tiểu đường không rõ nguồn gốc chứ thành phần Phenformin.
Loại thuốc đông y xuất xứ Trung Quốc hai bệnh nhân sử dụng đều chứa thành phần cấm lưu hành. Ảnh: BVCC.
Phenformin là một thuốc điều trị tiểu đường nhưng không còn được cấp phép lưu hành tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam do nguy cơ toan chuyển hóa, gây tử vong. Tuy nhiên, hiện nay, phenformin vẫn được sử dụng để trộn vào các chế phẩm đông y như Tiểu đường hoàn.
“Các loại thuốc đông y trị tiểu đường dạng nén, thuốc tể có xuất xứ Trung Quốc đã bị cấm lưu hành và từng bị xử phạt, không hiểu sao người dân vẫn có thể mua sử dụng. Rõ ràng, cơ quan quản lý còn kiểm soát quá lỏng lẻo. Ở bệnh nhân tiểu đường có bệnh lý nền, các loại thuốc này có thể gây nguy cơ tử vong gấp 100 lần bình thường”, bác sĩ Ngọc Anh nói.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiếp nhận thông tin chính thống, khoa học. Khi có bệnh, nên sử dụng thuốc theo tư vấn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ có thể gây chết người.
Rước họa do điều trị bệnh trĩ bằng thuốc truyền miệng
Y học hiện đại đã có thể điều trị bệnh trĩ hiệu quả, nhưng một số người vẫn chọn phương pháp truyền miệng để rồi rước họa vào thân.
Bích Huệ
thuốc trị tiểu đường thuốc đông y trị bệnh tiểu đườngtiểu đường hoànthuốc Trung Quốc trị bệnh tiểu đường