Kết có hậu của cậu bé hai lần bị cô giáo trả về

10/05/2022 13:27
Hà NộiTừ khi lọt lòng, bé Quốc Anh đã rất khó ngủ, 18 tháng ngồi chưa vững và cũng chẳng biết đi, đau ở đâu cũng không biết kêu, không thể lấy tay để chỉ.

Mẹ bé, chị Hoàng Thị Hiên ở quận Nam Từ Liêm, kể lần nào đưa con đi cắt tóc cũng phải dùng hết sức mới giữ nổi chân tay để con khỏi quẫy đạp, gào khóc. Lấy chồng năm 26 tuổi và có Quốc Anh một năm sau đó, chị chỉ biết nuôi và chăm con theo bản năng mà không biết đó là những dấu hiệu khá rõ ràng của chứng tự kỷ.

Kết có hậu của cậu bé hai lần bị cô giáo trả về

Cậu bé Quốc Anh, 12 tuổi, sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chụp ảnh cùng mẹ bốn năm trước tại vườn đào gần nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lên hai tuổi, thấy con chưa biết nói, Hiên đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ bày đủ thứ đồ chơi, hỏi: "Cái này là cái gì?" "Màu đỏ ở đâu?, "Con thích thứ kia không?"... Những câu hỏi khiến cậu bé sợ hãi, ôm mẹ khóc nghẹn. Bác sỹ kết luận: Chậm phát triển so với lứa tuổi. Nhiều bệnh viện khác cũng chung kết luận ấy.

Để chứng minh con mình bình thường, người mẹ xin cho Quốc Anh đi học mẫu giáo. Được 5 ngày, hiệu trưởng gọi Hiên lên nói thẳng: "Em đem con về đi chữa chứ không học được đâu". Hóa ra, các bạn cùng lớp sợ tư thế ngồi oặt ẹo, nghiêng bên nọ, ngả bên kia như người không xương của Quốc Anh. "Phụ huynh phản ánh họ không thích Quốc Anh học chung lớp con mình", hiệu trưởng nói tiếp. Hiên lặng lẽ bế con về.

Không đầu hàng, người mẹ lùng sục tài liệu trên mạng và hiểu đây là hội chứng tự kỷ. Chị càng tuyệt vọng hơn khi cuốn sách đầu tiên nói "chứng tự kỷ không thể chữa khỏi và các con khó có cuộc sống bình thường".

Nhưng Hiên không bỏ cuộc. Thời đó chưa có các diễn đàn trên mạng xã hội như bây giờ để hỏi chuyện, chị tự xây dựng giáo trình riêng để đồng hành cùng con.

Người mẹ dành thời gian quan sát, lắng nghe xem con thực sự cần gì, rồi lên giáo án dựa vào sự thay đổi tính cách, sinh lý của con. Hiên nhận ra, với trẻ bình thường, có những kỹ năng không ai bảo cũng biết hoặc chỉ nhắc một vài lần, còn với trẻ tự kỷ, có thể một từ, một hành động, phải nhắc lại hàng nghìn lần.

Để con nói được, chị cùng chồng lập kế hoạch học nói cùng con mọi lúc, mọi nơi, từ lúc mở mắt đến khi đi ngủ. Biết Quốc Anh thích cá, mẹ ra chợ mua cá vàng về thả vào chậu, rồi chỉ rõ đâu là mắt cá, đầu cá, muốn sờ vào cá thì phải học cách gọi tên nó. Để con học màu sắc, thứ tự, số đếm... chị tự làm những thẻ bài, bật video ca nhạc rồi cho con múa và ê a theo. Hai vợ chồng cũng gần gũi, âu yếm con nhiều hơn, dù ban đầu bé không hề tương tác.

Hàng ngày, bố mẹ đều đưa Quốc Anh ra ngoài chơi để rèn luyện sự tập trung. Cậu bé được dạy về cây cối, về chiếc lá, về chú chim bay trên trời. Đi chợ sẽ học về những vật dụng được bày bán ngoài đó. Được gần gũi với thiên nhiên, mỗi ngày thêm vài từ mới, cảm nhận mới, dần dà tay chân con vận động khéo léo, linh hoạt hơn.

"Với trẻ thường, sự giáo dục của bố mẹ như vẽ trên tờ giấy trắng, còn với trẻ tự kỷ thì phải khắc lên đó", Hiên nêu kinh nghiệm. Chẳng hạn, khi dạy con tập đi, hai vợ chồng phải dùng cây gậy cho con bám vào rồi nhích từng chút. Bố mẹ làm mẫu, lần này đến lần khác, xem từng thay đổi nhỏ để điều chỉnh dần cách dạy của mình. Người mẹ cũng giải thích cho con vì sao người ta lại khóc, vì sao lại cười hay ngạc nhiên thì khuôn mặt sẽ thế nào...

Cùng với sự kiên trì, kịp thời khen ngợi, nhắc đi nhắc lại, tuyệt đối tuân thủ kỷ luật, thay đổi giáo án liên tục cho phù hợp với con, Quốc Anh đã biết uống nước, xúc cơm, chải tóc... những hành động đơn giản nhất.

Cần mẫn như vậy, năm 4 tuổi, vào ngày ông Công ông Táo, Quốc Anh bỗng bật tiếng "Cá", khi nhìn thấy mẹ đang sắp lễ trên bàn thờ. Khoảnh khắc đó khiến Hiên bủn rủn, nước mắt ứa ra.

Bốn tuổi rưỡi, một lần Quốc Anh không chịu nghe lời, bị mẹ tét mông. Tối đó, cậu mò mẫm lấy tiền trong tủ rồi lấy kéo cắt trụi, vứt đầy nhà. Biết chuyện, Hiên bần thần, nói với con "Mẹ buồn quá" rồi vào giường nằm khóc. Hôm sau, đi học về, Quốc Anh tặng mẹ một bức tranh tự tô trên lớp, giọng ngọng nghịu: "Con yêu mẹ, con hứa sẽ không làm mẹ buồn nữa".

Vào lớp 1, Quốc Anh được học hòa nhập với học sinh bình thường. Những ngày đầu, cậu chỉ ngồi khóc. Cô giáo gọi mẹ đến khuyên nên cho con về, bởi không theo được các bạn. "Tôi sẽ ở lại lớp thêm 30 phút đầu buổi để học cùng con", người mẹ xin cô. Sau một tháng, Quốc Anh đã không còn khóc mỗi khi mẹ đứng dậy đi về nữa.

Ở lớp, cậu bé ít giao tiếp nên hay bị trêu chọc, hầu như ngày nào cũng có vết cào cấu trên người. Từ đó, lớp tổ chức sự kiện gì, Hiên cũng nhiệt tình tham gia, còn bỏ tiền túi mua bánh kẹo, đồ chơi cho các bạn. Nhiều lần có cơ hội gặp những đứa trẻ hay đánh con trai mình, chị lại chia sẻ: "Quốc Anh bị thế cũng buồn lắm, các con đừng đánh, làm bạn buồn thêm nhé". Sau những buổi nói chuyện thân mật, cậu con trai về nhà vui vẻ, không còn mách mẹ bị các bạn bắt nạt.

Kết có hậu của cậu bé hai lần bị cô giáo trả về

Quốc Anh bên cậu em trai thứ hai, kém 8 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Không còn nhiều hành động tự làm tổn thương mình, không cáu giận mỗi khi không vừa ý, giờ đây Quốc Anh đã chững chạc hơn, yêu thương và cởi mở với mọi người. Cậu biết giúp mẹ nấu cơm, phơi quần áo, quét nhà, đi chợ. Em gái út mới sinh được 5 tháng cũng rất quấn anh. Mỗi lần trông em giúp mẹ, cậu bé 12 tuổi lại thủ thỉ: "Em lớn nhanh, anh sẽ dẫn em đi chơi khắp nơi, như bố mẹ từng dẫn anh đi nhé".

Trong 12 năm đồng hành cùng con, Hiên ít khi khóc khi ai đó nhắc về hành trình đầy mồ hôi và nước mắt của mình. Nhiều người hỏi sao chị mạnh mẽ như vậy, bởi trước đây là cô gái nhạy cảm, dễ khóc dễ cười. "Vì con, tôi phải cố gắng", Hiên nói.

Người mẹ này ví, con đường vợ chồng chị đang đi như đẩy xe lu ngược dốc, chỉ có thể không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực mới có thể giúp con tiến bộ.

"Để qua con dốc này phải đi thật chậm nhưng nhờ vậy mà tôi thấy bản thân giàu cảm xúc hơn, nhận ra nhiều điều giản dị xinh đẹp xung quanh hơn", người mẹ nói. Giờ, chị tìm thấy niềm vui trong những khoảnh khắc bình dị như đưa con đến công viên hay cùng nằm trên chiếc giường ấm áp đọc sách...

Không mơ con trở thành thiên tài hay có năng lực đặc biệt, Hiên chỉ muốn dạy con trai đủ kỹ năng để có thể phục vụ được bản thân sau này. Chị tin rằng mỗi đứa trẻ xuất hiện trên đời đều có một sứ mệnh đặc biệt.

"Tôi luôn tin, vượt qua được mỏm núi này, nếu tiếp tục cố gắng sẽ trèo tiếp được mỏm núi khác. Chỉ cần con có mẹ, mẹ có con, ắt sẽ thành công", người mẹ nói.

Hải HiềnTrở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

Kết có hậu của cậu bé hai lần bị cô giáo trả về - Đời Sống