Kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình công bố tháng tháng 12/2022 cho thấy tỷ lệ ly hôn chiếm 2,2% dân số, tăng 0,4% so với 2019. Theo các chuyên gia về hôn nhân gia đình, trường hợp biết tự nhìn lại mình, hạ “cái tôi” để cứu vãn hôn nhân không nhiều.
Xoay chuyển hôn nhân
Chị Ngọc Anh, 37 tuổi, ở Hà Nội được bạn bè xem là người có tài xoay chuyển hôn nhân. Kết hôn lúc chưa đầy 20 tuổi, kinh nghiệm sống không có, cộng với việc có bầu nên chị ở nhà toàn thời gian. Tâm lý “mình là kẻ ăn bám” và tự ti về bản thân khiến Ngọc Anh kiểm soát chồng.
Chồng chị hồi đó làm ăn bên ngoài, gặp gỡ ai, áp lực ra sao, tuyệt nhiên không chia sẻ vì cho rằng vợ không hiểu công việc, không va chạm như anh nên nói cũng bằng thừa. Một người thứ ba đã bước chân vào mối quan hệ của họ. Khi biết sự thật, Ngọc Anh đã sốc và đau đớn. Nhưng không gào khóc như mọi lần, cô bình tĩnh nhìn lại, nhận ra mình đã yêu sai cách.
Lấy chồng sớm nhưng hôn nhân với Ngọc Anh không phải là chuyện thích thì cưới, gặp khó là bỏ. Chị cho chồng một tuần để suy nghĩ và lựa chọn gia đình hay người kia rồi ôm con bỏ đi. Việc này khiến chồng chị bất ngờ, chưa từng nghĩ vợ dám ra điều kiện, lại ôm con đi khi trong người không một đồng. Chưa đầy một tuần anh đón hai mẹ con về, xin lỗi và mong muốn vợ chồng cho nhau một cơ hội.
“Dù chuyện xảy ra lúc còn non trẻ, tôi chưa lúc nào oán thán người kia, cũng không tìm hiểu xem đó là ai, mặt mũi thế nào. Thậm chí tôi thấy biết ơn, nhờ họ tôi biết nếu không thay đổi sẽ đánh mất hạnh phúc của mình”, Ngọc Anh chia sẻ.
Ảnh minh họa.
Sau đó, người vợ này bắt đầu lên kế hoạch đi học cao đẳng, học cách trang điểm, mix đồ, làm đẹp, tâm lý học hành vi. Ngoài công việc văn phòng, chị bán hàng để chia sẻ cùng chồng gánh nặng tài chính. Trải qua quá trình dài cả Ngọc Anh và chồng cùng mắc sai lầm, rút ra bài học và thay đổi, đến giờ ở năm thứ 17 của hôn nhân, họ là những người bạn tâm giao của nhau.
Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, hôn nhân là cả một chặn đường dài, có khi càng đi, con đường càng nhiều những chông gai. Để tránh ly hôn vội vã, vợ chồng có thể áp dụng một số cách để đi qua giai đoạn khủng hoảng. Hạnh phúc cần sự cân bằng giữa công việc, sự nghiệp và gia đình. Câu chuyện của Hiền là ví dụ điển hình, nếu tất cả những gì bạn quan tâm chỉ là công việc, bỏ bê gia đình, con cái, sẽ khó giữ lửa hôn nhân.
Theo kinh nghiệm của những nhà tâm lý học, muốn biết một cặp có bền vững hay không, hãy nhìn cách họ cãi nhau, nơi thể hiện kỹ năng quản lý cảm xúc.
“Trong các cuộc tranh cãi vợ chồng, giữ bình tĩnh là việc khó nhưng hãy nhớ: Lời nói khi nóng giận “có chứa nhiệt độ”, người nghe có thể bị bỏng”, bà Vân nói.
Chìa khóa giải quyết mâu thuẫn vợ chồng là kỹ năng giao tiếp và thỏa hiệp khi cần thiết, thay vì tranh cãi ai đúng ai sai đến cùng. Khi bạn nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn, người kia sẽ bớt phòng thủ, mở lòng cho những cuộc trao đổi mang tính tích cực hơn.
Giữ kết nối gia đình
Một thống kê trước đó của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho thấy trung bình cả nước có hơn 60.000 vụ ly hôn mỗi năm. Trong đó, 70% thuộc về các cặp vợ chồng trong độ tuổi 18 - 30, 60% ly hôn sau từ 1 - 5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày đã tan vỡ. Trong đó, mất kết nối vợ chồng là một trong những nguyên nhân ngầm dẫn tới cuộc hôn nhân đi đến đổ vỡ.
Ảnh minh họa.
Mất kết nối có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm sự thiếu giao tiếp, không cùng chia sẻ quan điểm và cảm xúc, không có thời gian cho nhau và không cảm thấy được sự hỗ trợ và hiểu biết từ phía đối phương. Một cuộc hôn nhân bắt đầu chệch quỹ đạo từ lúc nào? Hai người vốn dĩ rất yêu thương nhau, lựa chọn cưới nhau nhưng tại sao lại có một kết thúc buồn đến vậy?
Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý Tuệ An, nguyên do vợ chồng mất kết nối thường là khi giao tiếp với nhau trở nên khó khăn và sự chú ý dành cho nhau giảm đi. Ai cũng hiểu rằng, giao tiếp là cầu nối giữa những trái tim, là nền tảng để tình cảm phát triển bền vững. Nếu một cặp vợ chồng đã bỏ qua và không chú ý đến nền tảng này, đồng nghĩa với việc hạnh phúc cũng không thể nào nuôi dưỡng được.
Bên cạnh đó, khi yêu, chúng ta thường dành cho nhau những cử chỉ quan tâm nhỏ nhất, chăm sóc nhau dù lúc đó chưa có gì trong tay. Nhờ những điều ấy, cả hai bên đều cảm nhận được sự tốt đẹp của nhau rõ ràng hơn. Tuy nhiên khi bước vào cuộc sống hôn nhân, những cử chỉ quan tâm dần ít lại và chả còn chú ý đến nhau nữa. Lý do khiến nhiều cặp đôi sau khi kết hôn chỉ toàn nhìn thấy khuyết điểm của nhau chẳng phải do đối phương đã hết ưu tú. Cũng chẳng phải vì đối phương xấu đi sau khi lên xe hoa, xấu đi sau những cuộc sinh nở.
Nguyên nhân bởi những cặp đôi này đã không chú ý nhiều, không tìm ra được những điểm đặc biệt của nhau nữa và bởi vì quá quen thuộc nên cảm thấy những gì đặc biệt ở bạn đời trở nên bình thường quá. Sự thay đổi trong tư tưởng khiến ánh nhìn của họ hướng về nhau không còn chan chứa tình cảm như xưa.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, nếu bạn đang cảm thấy hôn nhân của mình đã, đang và chuẩn bị xuất hiện những nguyên nhân trên hãy ngăn chặn kịp thời trước khi quá muộn. Đừng bao giờ để cho sự chủ quan của mình khiến cho tổ ấm rạn nứt rồi dần dần tan vỡ.
-> Nhiều quý ông không đưa tiền cho vợThảo Vy