TTO - Hàng ngàn người dân, chiến sĩ trèo đèo cõng gạo, nước đưa vào vùng bị cô lập, trong khi hàng ngàn người khác cùng nhau nối cầu, dọn lũ... để xe cộ có thể chở lương thực tiếp tế cho bà con.
Người dân xã Phước Thành cõng hàng tiếp tế vượt đồi Chim trở về trưa 1-11 - Ảnh: TẤN LỰC
Sáng 1-11, nhiều khu dân cư tại Quảng Nam còn bị cô lập. Hàng ngàn người dân và cán bộ chiến sĩ đã gùi hàng lên đường, mong kịp đưa lương thực đến với bà con.
Trời hừng nắng, đoàn 300 người dân và dân quân cùng cán bộ xã Phước Thành băng hơn chục cây số đường rừng, lách qua những điểm sạt lở nặng tiến về đồi Chim (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) chờ hàng tiếp tế.
San sẻ chén cơm, bát cháo cầm cự qua ngày
Ở phía xã Phước Kim, 200 dân quân, cán bộ xã và các chiến sĩ huyện đội, biên phòng cũng đang chia chặng gùi hàng lên. Do con đường liên xã Phước Kim - Phước Thành bị sạt lở quá nặng, chưa khắc phục được nên lực lượng vận chuyển dùng đường nội đồng và cắt rừng, vượt dốc gùi hàng tiếp tế.
Con suối chảy dưới đồi Chim là một vùng phẳng đầy đá sau cơn lũ quét được chọn làm điểm trung chuyển hàng giữa xã Phước Kim và Phước Thành. Từ đây, những bao gạo, thùng mì gói và nước uống, nhu yếu phẩm phải trung chuyển qua 4 chặng mới về đến nơi cần thiết.
Gùi túi gạo nặng cùng đoàn vượt đồi Chim, ông Trần Văn Toàn - trú thôn 2, xã Phước Thành - phải dừng lại nghỉ mệt mấy lượt vì con dốc quá cao.
"Từ ủy ban xã tới trạm xá, trường học đã mở kho hết nhưng vẫn không đủ gạo cho nhu cầu người dân. Nếu hôm nay không được cứu trợ, chỉ tầm 3 ngày nữa dân sẽ rơi vào cảnh đói khát" - ông Toàn chia sẻ.
Gùi hàng chục chuyến trung chuyển từ suối Xà Kin tới chân đồi Chim, anh Hồ Văn Sia, dân quân xã Phước Kim, thấm mệt ngồi nghỉ bên tảng đá lớn. Đôi tay Sia mỏi nhừ và đôi chân run run vì leo đèo quá sức. Dù là thanh niên giỏi đi rừng, Sia cũng phải thở dốc mỗi khi vác bao hàng từ suối Xà Kin đến đây.
"Sáng tới trưa nay em vận chuyển được hơn 20 chuyến. Dù rất mệt mỏi nhưng chuyển được hàng cho bà con em thấy rất vui vì giúp mọi người được ăn no sau những ngày thiếu thốn" - Sia nói.
Ông Hoàng Đình Ba, bí thư Đảng ủy xã Phước Kim, bảo người dân và dân quân xã Phước Kim cùng huyện đội, biên phòng phải chia ra làm nhiều tốp vận chuyển hàng tiếp tế xã Phước Thành. Chặng thứ nhất từ ủy ban xã tới cầu treo thôn Luông B được trung chuyển bằng xe máy, rồi cho người vác qua cầu chuyển đến suối Xà Kin.
Từ đây dùng sức người gùi, cõng đến chân đồi Chim và bàn giao cho lực lượng xã Phước Thành cõng về. "Chúng tôi đã chuyển khoảng 8 tấn hàng gồm gạo, rau củ quả và các hàng thiết yếu cho bà con xã Phước Thành trong hôm nay" - ông Ba cho biết.
Dân, chính quyềnhợp sức sau lũ
Tại huyện Tây Giang (Quảng Nam), sau hai tháng bị cô lập, tuyến đường lên các xã vùng cao như Ch’ơm, Gari, Axan đã được thông xe máy, tuy nhiên xe cơ giới vẫn chưa thể tiếp cận vào bên trong trung tâm.
Ông Lê Hoàng Linh - phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang - cho biết huyện đã thành lập tổ công tác gồm 8 thành viên, đi bộ vào lập trạm chốt tại Ch’ơm để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, đốc thúc người dân chuẩn bị sẵn sàng cho bão số 10.
Suốt 3 ngày qua, cán bộ huyện cùng dân quân địa phương, lực lượng xã, Đoàn thanh niên và người dân vừa tổ chức di dời các hộ trong vùng sạt lở ra nơi tránh trú vừa dọn dẹp các đống đổ nát và tận dụng tôn rơi vãi sau bão số 9 để lợp lại nhà cho bà con tránh trú.
"Đường từ trung tâm huyện vào xã chưa đi được ôtô nên chúng tôi huy động nguồn vật liệu như tôn, ximăng tại chỗ, tại hàng quán các xã để san sẻ giúp bà con dựng lại nhà cửa. Trước mắt chỉ khắc phục để bà con ở tạm chứ chưa làm kiên cố được, để qua bão số 10, trời nắng ráo lên mới làm được" - ông Linh nói.
Do mưa lũ kéo dài và tàn khốc suốt hai tháng qua nên hạ tầng đường sá của tỉnh Quảng Nam nham nhở và hư hại dày đặc. Ngay khi nước rút, chính quyền và người dân đã cùng góp sức tập trung gia cố tạm, khắc phục để thông đường, phá thế cô lập.
13h chiều 1-11, hàng chục người dân ở các thôn như An Điềm, Trúc Hà (xã Đại Hưng, Đại Lộc) đã tập trung tới cầu tràn khe Dựt Hàm trên tuyến đường nối huyện Đại Lộc với huyện Đông Giang chèn đất đá, cây cối cho xe cộ qua lại.
Ông Trần Minh Trí - thôn Trúc Hà - cho biết đường này là tuyến huyết mạch giữa hai huyện và lượng xe cộ lưu thông rất lớn. Đường hư, không thể đứng nhìn, từ sáng người dân đã cùng cưa cây keo lớn, dùng thêm đất đá luồn phía dưới mặt tràn kê lên chắc chắn để thông đường trở lại.
Cách vị trí này khoảng 6km, một vị trí sạt lở kéo dài hàng chục mét ăn sâu vào núi cũng đã được gia cố khẩn cấp bằng rọ đá, giữ cố định tim đường để bà con qua lại sau nhiều tuần bị cô lập.
Tại huyện Tây Giang, 11 đơn vị doanh nghiệp đã được huy động hết công suất để san ủi, dọn dẹp các đoạn sạt lở, nhưng khối lượng quá lớn nên nhiều tuyến đường huyết mạch vẫn bị ách tắc.
Trước tình thế ấy, nhiều ngày qua hàng ngàn người dân, cán bộ, đoàn viên thanh niên lẫn các thầy cô giáo đã được huy động tham gia nối cầu, dọn lũ, dùng cây cối lát các đoạn đường sình lầy để xe cộ chở lương thực vào tiếp ứng cho các xã vùng cao.
Trực thăng thả 4 tấn hàng xuống xã Phước Lộc
Khoảng giữa trưa 1-11, hai chuyến bay của sư đoàn không quân 372 đã thả 4 tấn hàng xuống trung tâm xã Phước Lộc, đồng thời đưa 3 người dân bị thương về Đà Nẵng cứu chữa. Hàng hóa bao gồm gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Ở hướng đường bộ, lực lượng cơ động từ xã Phước Công cũng gùi hàng trăm bao gạo băng rừng tiếp tế vào trong xã Phước Lộc.
Cõng lương thực, nước uống vào vùng núi lở ứng cứu dân và công nhân thủy điện bị cô lập
TTO - Sáng nay 1-11, các đơn vị ứng cứu tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã quyết định chia nhiều nhóm, cắt rừng để gùi hàng hóa vào cho các hộ dân và công nhân thủy điện đang bị cô lập trong vụ sạt lở núi tại xã Phước Lộc.
TẤN LỰC - THÁI BÁ DŨNG