169 ngành công nghiệp trên toàn cầu sẽ bị tác động bởi việc tình trạng thiếu chip năm nay và có thể kéo dài đến 2022.
Theo nghiên cứu của ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs, sự thiếu hụt chất bán dẫn và chip sẽ ảnh hưởng sâu rộng nhất từ trước đến nay với số lượng công ty bị tác động "đáng kinh ngạc". Các công ty bị ảnh hưởng thuộc rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xuất sản phẩm thép, bê tông, nhà máy bia... cho đến các ngành điện tử gia dụng, thiết bị điện tử. Thậm chí, ngay cả ngành sản xuất xà phòng cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chip.
Khủng hoảng chip đang lan rộng và gây tác động lớn tới nhiều ngành công nghiệp. Ảnh: Referans.
Để xác định những ngành nào đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip, Goldman Sachs đã phân tích nhu cầu sử dụng vi mạch và các thành phần bán dẫn liên quan của từng ngành, sau đó đưa chỉ số này vào thành một phần tỷ trọng trong GDP của ngành đó. Những ngành chi hơn 1% GDP cho chip sẽ được xác định là bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chất bán dẫn.
Chẳng hạn, trong ngành ôtô, 4,7% GDP của ngành được chi cho vi mạch và chất bán dẫn liên quan. Ngành công nghiệp ôtô đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng thiếu chip từ chuỗi cung ứng, nhưng vấn đề này chủ yếu do những dự đoán sai lầm.
Thông thường, các nhà sản xuất ôtô thường mua số lượng lớn chip từ chuỗi cung ứng để giảm chi phí. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, các dự đoán cho rằng nhu cầu về xe hơi sẽ giảm. Do đó, các công ty đã cắt giảm chip dùng cho xe, chủ yếu là hệ thống thông tin giải trí trên xe đến các công nghệ hỗ trợ lái xe cao cấp.
Trong khi đó, đại dịch cũng khiến mọi người ở nhà nhiều hơn. Họ bắt đầu mua các mặt hàng công nghệ và đồ điện tử tiêu dùng để thích nghi với môi trường làm việc và học tập từ xa. Những đơn hàng chip cho ôtô trước đây được chuỗi cung ứng chuyển sang cho các sản phẩm công nghệ tiêu dùng.
Bất chấp đại dịch, nhu cầu mua xe cá nhân của người dùng đã tăng mạnh. Tính đến đầu quý IV/2020, doanh số xe hơi toàn cầu đã vượt toàn bộ năm 2019. Lúc này, các nhà sản xuất ôtô mới nhận ra rằng họ cần nhiều chip hơn so với những dự đoán trước đây. Dù vậy, các đơn hàng đã được chuyển sang lĩnh vực khác và không thể quay lại như cũ trong một sớm một chiều.
Nhà phân tích Spencer Hill của Goldman Sachs dự đoán, sự thiếu chip và linh kiện bán dẫn có thể ảnh hưởng đến 1% GDP của Mỹ vào năm 2021. "Một số chip máy tính không có sẵn để thay thế. Nếu sản lượng của mọi thiết bị sử dụng chip giảm tương ứng, lực cản đối với GDP năm 2021 sẽ vào khoảng 1%", ông Hill dự đoán.
Một số chuyên gia khác cho rằng cuộc khủng hoảng chip vẫn còn lâu mới kết thúc. Điều này sẽ khiến hàng tiêu dùng sẽ tăng trong thời gian tới. Goldman dự đoán, mức giá của các sản phẩm này sẽ tăng từ 1% đến 3% trong năm nay.
Bảo Lâm (theo Yahoo Finance)Trở lại Số hóaTrở lại Số hóaChia sẻ ×