Doanh nghiệp gặp khó, dân văn phòng chạy xe ôm, tài xế taxi về quê vì ế

21/06/2021 17:18
Trong khi nhân viên văn phòng, kỹ thuật… vì thất nghiệp mà phải chuyển sang chạy xe ôm công nghệ thì không ít người làm nghề tài xế chuyên nghiệp lại phải nghỉ việc vì quá ế khách.

Trong khi nhân viên văn phòng, kỹ thuật… vì thất nghiệp mà phải chuyển sang chạy xe ôm công nghệ thì không ít người làm nghề tài xế chuyên nghiệp lại phải nghỉ việc vì quá ế khách.

Dân văn phòng đua nhau làm xe ôm công nghệ

Doanh nghiệp gặp khó, dân văn phòng chạy xe ôm, tài xế taxi về quê vì ế

Dịch bệnh khiến nhiều lao động thất nghiệp, phải chuyển nghề sang chạy xe ôm công nghệ.

Đón khách đi Grabbike đúng tầm trưa hè dưới cái nắng khủng khiếp, Lê Văn Minh (Hoài Đức, Hà Nội) hé nụ cười gượng vì mệt.

"Cực lắm chị ạ, trời thì nắng nóng cao điểm, hơn chục tiếng chạy xe ngoài trời nhiều lúc thấy muốn lả đi", Minh tâm sự. Chạy xe ôm công nghệ được hơn 2 năm, nhưng trước kia chỉ tranh thủ chạy thêm chiều tối để có thêm "đồng ra đồng vào" đỡ gia đình.

Nhưng kể từ hồi dịch bùng phát lần thứ 4 mới đây, công ty không có việc làm, Minh cùng nhiều nhân viên khác phải nghỉ không lương. Do vậy, anh chuyển từ làm thêm xe ôm công nghệ sang làm chính. Song công việc chạy xe toàn thời gian chưa quen vì vốn là dân văn phòng nên cứ chạy được 3 ngày liên tiếp, Minh lại phải nghỉ một ngày để lấy lại sức.

"Ngày nào cũng chạy hơn 12-13 tiếng nhưng cứ chạy cách mấy ngày lại phải nghỉ nên thu nhập tính ra cũng không được là bao", Minh chia sẻ thêm.

Nói về dự định sắp tới, tài xế này cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng lao động chính thức với công ty thay vì tạm dừng trong một thời gian dài để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Công ty làm trong lĩnh vực thực phẩm, chuyên cung cấp chuỗi nhà hàng Golden Gate nhưng vì dịch nên rất nhiều người rơi vào tình cảnh như Minh.

Chung cảnh ngộ, anh Hà Phương cũng mất việc do Covid-19 khiến công ty không có việc làm. Anh vốn là kỹ thuật của một công ty sản xuất thiết bị vệ sinh. Do ảnh hưởng của dịch, công ty ít việc, phải sa thải bớt người lao động. "Tôi cũng tính đi xin việc khác nhưng chưa xin được vì ở đâu giờ cũng khó nên chạy xe sống qua ngày đã", anh Phương buồn bã cho hay.

Trước khi chạy cho Be, anh Hải Anh - từng làm nhân viên pha chế tại một quán đồ uống ở quận Đống Đa (Hà Nội). Đợt dịch bùng phát vừa qua, quán nơi anh Hải Anh làm phải đóng cửa.

"Dù được phép bán mang về nhưng chú quán nói không hiệu quả nên đóng cửa luôn. Không có việc nên tôi tạm thời phải chạy xe, cũng được gần một tháng rồi", anh Hải Anh chia sẻ. Song công việc mới chưa quen cộng với thời tiết nắng nóng, có hôm anh Hải Anh chỉ cầm được 50.000 đồng trở về nhà.

Điều anh Hải Anh cùng nhiều lái xe mong muốn bây giờ là dịch được kiểm soát, thành phố hết giãn cách để được quay trở lại công việc, vừa đảm bảo thu nhập và cuộc sống cũng bớt cực khổ.

Trường hợp "bỗng một ngày" phải gác lại công việc văn phòng, pha chế, kỹ thuật… chuyển sang nghề như Minh, Hải Anh không hiếm thời gian qua. Nhiều người cho biết, việc chuyển sang chạy xe ôm công nghệ giúp họ chuyển đổi công việc dễ dàng dù thu nhập khó khăn. Với tác động của dịch bệnh hiện nay, tìm được công việc khác đúng chuyên môn, sở trường ở một công ty khác rất khó. Đối với những người làm du lịch, nhà hàng, giải trí… thì đâu đâu cũng khó khăn như vậy.

Doanh nghiệp gặp khó, dân văn phòng chạy xe ôm, tài xế taxi về quê vì ế

Ô tô taxi la liệt "nằm" bãi.

Doanh nghiệp taxi than thở, tài xế lũ lượt xin nghỉ việc

Thực tế, dù nhiều người làm ở các ngành nghề khác như văn phòng, kỹ thuật, rồi pha chế, đầu bếp… vì thất nghiệp phải chuyển sang chạy xe ôm công nghệ thì không ít người vốn là dân tài xế chuyên nghiệp lại phải nghỉ việc vì quá… "ế".

Theo thông tin từ đại diện phía Be, lĩnh vực vận tải đang chịu ảnh hưởng khó khăn chung từ đại dịch. Việc giãn cách không chỉ làm giới taxi, xe ôm công nghệ ảnh hưởng mà đối với taxi truyền thống thì khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - cho biết, khó khăn của các ngành dịch vụ như vận tải ngày càng rõ rệt hơn sau mỗi lần dịch bùng phát.

Theo ông Hùng, trong bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch, với vận tải hành khách, lượng xe khách đến nay hoạt động chỉ khoảng 20-30%, trên mỗi một chuyến xe chỉ được chở không quá 50% số ghế ngồi. Đặc biệt là khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4, lượng hành khách đi xe lại càng giảm nhiều hơn.

Riêng doanh nghiệp taxi do ông Hùng trực tiếp làm Giám đốc điều hành (CTCP Mai Linh Miền Bắc) thì doanh thu sụt giảm tới 80%. "Doanh thu sụt giảm, lái xe không có thu nhập, một số lái xe đã phải trả xe nghỉ về quê, một số cầm cự đi làm nhưng thu nhập giảm. Chúng tôi thì rất muốn giữ lái xe nên dù khó khăn cũng cố gắng trả lương tối thiểu để anh em duy trì", ông Hùng cho biết.

Cũng theo tiết lộ của ông Hùng, số lượng tài xế xin nghỉ việc đến thời điểm này là 30% trên tổng số hơn 1.200 tài xế thuộc công ty. Số còn lại thì thay nhau làm rồi nghỉ để chia đều số doanh thu ít ỏi, ông Hùng buồn rầu kể.

Trước ảnh hưởng nặng nề của 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 3/2020 đến nay, các hiệp hội doanh nghiệp vận tải và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành đã liên tục có văn bản "cầu cứu" Chính phủ, bộ, ngành liên quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp gặp khó, dân văn phòng chạy xe ôm, tài xế taxi về quê vì ế

Dịch bệnh khiến ngành vận tải gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nhận định, một bộ phận của nền kinh tế như ngành dịch vụ, du lịch, vận tải hành khách vẫn gặp nhiều khó khăn với lượng khách quốc tế sụt giảm đến gần 100%. Một khu vực chiếm 4-5% GDP chưa được phục hồi thì vẫn còn để lại nhiều gánh nặng cho nền kinh tế.

Theo ông, dưới tác động của dịch bệnh, một bộ phận người lao động bị thất nghiệp, mất việc làm hoặc bị đẩy trở lại khu vực kinh tế không chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp tăng, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng, thống kê cho thấy cứ 100 thanh niên ở Việt Nam thì 7-8 người bị thất nghiệp.

"Thất nghiệp thanh niên là điều đáng lo ngại vì nó có thể có những tác động tới năng suất, hiệu quả của nền kinh tế trong trung hạn. Đây là một trong những vấn đề cần được lưu tâm trong các chính sách hỗ trợ và phát triển sắp tới", ông Bình nhấn mạnh.

Con số mà Tổng cục Thống kê vừa công bố tại họp báo tình hình lao động việc làm quý I vừa qua cũng cho thấy thị trường lao động đang chịu tác động xấu từ những lần bùng phát dịch Covid-19.

Theo đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,1 triệu người, tăng 12.100 người so với cùng kỳ năm trước. Hay theo như kết quả từ báo cáo về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam của Ngân hàng Thế giới & VCCI công bố tháng 3, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc.

Theo Nguồn dantri.com.vn

Doanh nghiệp gặp khó, dân văn phòng chạy xe ôm, tài xế taxi về quê vì ế - Làm Đẹp