Để hạ giá thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất hạn chế xuất khẩu thép, tăng cung thép cuộn cán nóng, thép thô cho thị trường nội địa.
Theo VSA, sau chuỗi tăng giá liên tục 4 tháng đầu năm, giá thép trong tháng 5 có đợt giảm nhưng vẫn "dùng dằng, chưa có chiều hướng tăng, giảm giá rõ rệt". Điều này cho thấy sức ép tăng giá thép vẫn hiện hữu.
Hiện năng lực sản xuất thép của doanh nghiệp trong nước tăng nhiều so với trước, nhất là mặt hàng thép xây dựng, "cung cơ bản đáp ứng cầu". Nhưng để tránh thêm những cú sốc giá, bình ổn giá thép tại thị trường nội địa, VSA cho rằng, các doanh nghiệp nên ưu tiên nguồn nguyên liệu thép thô, thép cuộn cán nóng cho thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu và giảm chi phí sản xuất... để bảo đảm giá bán hợp lý, bình ổn giá trên thị trường.
Các doanh nghiệp thép trong nước nên tăng tối đa công suất, tổ chức lại hệ thống phân phối để ổn định nguồn cung trong nước. Giá thép cũng cần được doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp.
Sản xuất thép cuộn tại một doanh nghiệp ở Hải Dương. Ảnh: Trần Nguyễn.
Ngoài ra, VSA khuyến nghị nhà chức trách cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường để phòng ngừa các hiện tượng gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ; cũng như duy trì biện pháp phòng vệ thương để bảo vệ sản xuất trong nước và xây dựng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam...
Giá thép trong nước tăng cao bất thường, buộc Chính phủ phải yêu cầu có biện pháp chặn đà tăng mặt hàng này, tránh tác động tiêu cực tới các ngành sản xuất khác trong nước và các chỉ số vĩ mô. Từ cuối năm 2020, giá thép điều chỉnh mạnh và kéo dài sang những tháng đầu năm 2021, tăng 40-50% so với cùng kỳ 2020. Sau đó hạ nhiệt vào đầu tháng 6, rồi có dấu hiệu tăng trở lại cùng đà tăng giá nguyên liệu thế giới và hiện chưa rõ đà tăng, giảm.
Về nguyên nhân tăng giá thép, Bộ Công Thương cho rằng không có cơ sở cho thấy có sự bắt tay làm giá của các công ty thép. Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất.
Hiện Bộ Công Thương cùng một số bộ, ngành đã lập đoàn làm việc với doanh nghiệp thép có thị phần lớn trên thị trường, để nắm bắt thông tin tình hình sản xuất, cung cầu nguyên liệu đầu vào, sản phẩm thành phẩm... Kết quả làm việc dự kiến có sau một tháng và giải pháp toàn diện cho thị trường này sẽ được Bộ Công Thương báo cáo, trình cấp có thẩm quyền.
Theo số liệu từ VSA, 5 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ thép các loại đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ, đạt gần 11,96 triệu tấn, tăng hơn 38% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép các loại gần 2,8 triệu tấn, tăng 80% so với 5 tháng năm 2020.
Riêng tháng 5, sản xuất thép đạt gần 2,92 triệu tấn, tăng trên 3,5% so với tháng 4 và 40% so với 4 tháng đầu năm 2020. Sức bán của các doanh nghiệp thép cũng tăng 18% so với tháng 4 và tăng trên 2 lần so với cùng kỳ 2020.
Anh Minh
Trở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×