"Loại vắc xin tốt nhất là vắc xin được cấp phép, được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiều lần về vấn đề sử dụng vắc xin và chống dịch Covid-19.
Ở vào bối cảnh hiện tại, người viết cho rằng, đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn và cần thiết được lưu ý, quán triệt đến nhiều cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân.
Chúng ta biết, trên thế giới và trong khu vực, tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp và đang xảy ra tình trạng khan hiếm vắc xin.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù chúng ta đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vắc xin nhưng trong tháng 8 chỉ có thêm khoảng 3 triệu liều vắc xin về Việt Nam, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của riêng TPHCM để đủ miễn dịch cộng đồng, chưa kể còn một số địa phương khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay TP. Hà Nội…
Trong tháng 9, dự kiến chỉ có khoảng 9,3 triệu liều vắc xin được nhập về. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài đang bị chậm tiến độ.
Do vậy, thiết nghĩ, một khi vắc xin đã được cấp phép thì có loại gì nên tiêm loại đó, các nhà khoa học đã khẳng định hiệu quả của tất cả các loại vắc xin được cấp phép. Bất kỳ vắc xin nào cũng có ưu, nhược điểm riêng của từng loại và tất cả đều có hạn sử dụng.
Ngay cả những loại vắc xin đắt đỏ nhất cũng sẽ có tỉ lệ nhất định sau khi tiêm vẫn bị mắc Covid-19 hay có phản ứng phụ nhưng có thể khẳng định rằng, mọi loại vắc xin Covid-19 đã được cấp phép đều giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm tỉ lệ tử vong, ít bị chuyển sang bệnh nặng với những người đã được tiêm phòng.
Việc trì hoãn, "cân đo đong đếm" loại vắc xin nào cao cấp hơn, "xịn" hơn để lựa chọn tiêm vừa làm chậm tiến độ miễn dịch cộng đồng, vừa lãng phí thời gian và nguồn lực của Nhà nước và nhân dân.
Hiện tại, để có vắc xin tiêm cho người dân nhiều nhất, nhanh nhất có thể, Chính phủ đang thực hiện đồng bộ "kiềng ba chân" gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước. Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước có vai trò rất quan trọng.
Theo người viết, vắc xin nhập khẩu rất quý báu, nhưng do khan hiếm và cung ứng nhỏ giọt, thời gian miễn dịch của vắc xin phổ biến từ 6 tháng đến 1 năm, nên có thể coi chính sách động viên và hỗ trợ phát triển nguồn vắc xin sản xuất trong nước là chìa khóa, là mấu chốt để nước ta đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng, góp phần chống dịch thành công. Từ đó, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường, giúp người dân và doanh nghiệp ổn định công ăn việc làm, vực dậy kinh tế.
Tin vui là Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền.
Với nhiều địa phương cùng hàng trăm nghìn tình nguyện viên đề nghị được tham gia thử nghiệm vắc xin Nanocovax giai đoạn 3, thấy rằng người dân đặt niềm tin vào "vắc xin nội", "vắc xin made in Vietnam". Rất tự hào và đáng để kỳ vọng!
Trong cuộc họp với các đơn vị liên quan, Thủ tướng đã liên tục nhấn mạnh: "phải bàn và làm bằng được" việc sản xuất vắc xin trong nước, "Chính phủ nói là làm chứ không phải nói xong để đấy".
Ông yêu cầu các bên phải phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, mỗi người trên cương vị của mình phải làm hết trách nhiệm trên tinh thần "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật", đặt lợi ích quốc gia dân tộc, sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Chống mọi biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực này, nếu phát hiện tiêu cực phải xử lý ngay, xử lý nghiêm.
Có thể thấy Thủ tướng và Chính phủ đặt quyết tâm rất lớn vào chính sách này. Biết rằng "dục tốc bất đạt", việc đẩy nhanh tiến độ phải đi liền với chặt chẽ và chính xác, song chúng ta đều mong mỏi, Việt Nam sẽ sớm tự chủ được vắc xin và khống chế được Covid-19 trong thời gian gần nhất. Còn trước khi có "vắc xin nội" thì mỗi loại vắc xin đã được cấp phép đều là một vũ khí để "chống dịch như chống giặc".