Khi trẻ lớn lên, quan điểm và hiểu biết của trẻ về những sự vật xung quanh ngày càng sâu sắc trẻ cũng có nhiều suy nghĩ hơn.
Trong quá trình này, cha mẹ sẽ nhận thấy con mình thường hỏi những câu hỏi ngay cả người lớn cũng khó trả lời. Tuy những câu hỏi này có thể gây lúng túng, nhưng lại trực tiếp ảnh hưởng đến việc hình thành nhân sinh quan, thế giới quan của trẻ. Nếu cha mẹ trả lời không đầy đủ hoặc thiếu khách quan, điều này có thể ảnh hưởng đến cách trẻ nhìn nhận và đánh giá về sự việc.
Cách đây không lâu, cô Zhang đến từ Bắc Kinh - Trung Quốc đã đăng đoạn trò chuyện giữa cô và các con lên mạng. Không ngờ chỉ trong thời gian ngắn, đoạn chia sẻ này đã thu hút sự chú ý và khen ngợi của đông đảo cư dân mạng.
Cụ thể, sau bữa tối, cô Zhang cùng các con đọc truyện tranh. Cuốn sách tranh lúc đó kể về một đứa trẻ hiếu thảo với người lớn. Câu chuyện kể về một đứa trẻ hiếu thảo với ông bà của mình. Sau khi đọc được một lúc, cậu bé ngẩng đầu lên và hỏi: “Mẹ ơi, bà ngoại và bà nội đều yêu con, con cũng yêu họ. Vậy mẹ yêu bà nội hay bà ngoại hơn?”.
Ảnh: Conobie
Rõ ràng, câu hỏi của đứa trẻ tràn đầy sự ngây thơ nhưng lại khiến cô Zhang lúng túng. Dù mối quan hệ giữa chị và mẹ chồng khá tốt, nhưng dù sao mẹ đẻ cũng là người đã sinh thành và nuôi nấng chị. Về mặt tình cảm, chị chắc chắn thân thiết với mẹ đẻ hơn.
Tuy nhiên, việc trực tiếp nói với trẻ rằng mẹ thích bà ngoại hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thái độ của trẻ đối với hai bà, thậm chí có thể khiến trẻ hiểu sai.
Nhưng sau một hồi suy nghĩ, cô Zhang đã đưa ra một câu trả lời mà cô cho là thỏa đáng.
“Bà ngoại sinh ra mẹ và nuôi nấng mẹ lớn lên, nên mẹ rất yêu bà! Bà nội sinh ra bố và nuôi dưỡng bố, mà mẹ lại yêu bố, nên mẹ cũng yêu bà nội!”.
Mặc dù câu trả lời hơi vòng vo nhưng lại khiến đứa trẻ rất hài lòng. Cậu bé liền nói: “Con yêu mẹ và yêu bố, nên con cũng yêu bà ngoại và yêu bà nội!”.
Điều gì xảy ra nếu cha mẹ tránh trả lời những câu hỏi khó của con?
Khi nhận thức của trẻ ngày càng phong phú hơn, chúng có thể đặt ra những câu hỏi mà người lớn khó trả lời. Dù cha mẹ thường dạy con phải thành thật, nhưng đối với những đứa trẻ thiếu kinh nghiệm sống và chưa có nhận thức đầy đủ, việc trả lời thành thật có thể khiến chúng bối rối hơn.
Vì vậy, khi trả lời những câu hỏi khó, cha mẹ cần suy nghĩ kỹ. Trả lời qua loa sẽ chỉ khiến trẻ thêm bối rối, thậm chí ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của chúng.
Khi trẻ tò mò và đặt câu hỏi, điều đó có nghĩa là trẻ đang thắc mắc và mong muốn nhận được câu trả lời. Nếu cha mẹ trả lời một cách chiếu lệ, thái độ khó hiểu này cũng sẽ khiến trẻ cảm thấy rất thất vọng, điều này ở một mức độ nào đó cũng làm giảm đi sự nhiệt tình và tự tin khi đặt câu hỏi của trẻ. Lâu dần, trẻ dần mất niềm tin vào sự trao đổi với cha mẹ.
Ảnh: vietbao.vn
Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con cái hình thành quan điểm hiếu thảo đúng đắn?
Khi nhận thức của trẻ về mối quan hệ gia đình ngày càng phức tạp, chúng sẽ dễ dàng tò mò về mức độ thân thiết giữa mình với các thành viên trong gia đình. Vì vậy, khi trẻ đặt những câu hỏi khó xử, cha mẹ cần khéo léo ứng xử. Đối với trẻ, tất cả các thành viên trong gia đình đều là người thân yêu, không nên phân biệt quá rõ ràng giữa ai gần gũi hơn. Do đó, khi trả lời câu hỏi của trẻ, cha mẹ cần tránh đưa ra quan điểm cá nhân quá nhiều.
Mối quan hệ gia đình thường không tránh khỏi mâu thuẫn, chẳng hạn như mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu luôn là vấn đề khó giải quyết. Nhưng điều này không có nghĩa là trẻ phải bị cuốn vào những mâu thuẫn đó. Khi trẻ bị ép phải chọn bên, quan niệm về tình thân và hiếu thảo của chúng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, dù cha mẹ có ý kiến gì về một số thành viên trong gia đình, cũng không nên để câu trả lời của mình mang tính thiên vị.
Con cái sau khi sinh ra, với những khả năng học tập nhất định, sẽ âm thầm dõi theo lời nói, hành động của cha mẹ và bắt chước, học hỏi. Muốn con cái có cái nhìn đúng đắn về lòng hiếu thảo, cha mẹ cũng nên làm gương. Qua việc tham khảo lời nói và việc làm của cha mẹ, con cái tự nhiên sẽ hiểu được ý nghĩa thực sự của lòng hiếu thảo.
T. Linh (Theo Baidu)