Ở chiêu trò này, kẻ lừa đảo đánh vào cảm xúc của người nhận, khiến họ chuyển tiền mà không mảy may nghi ngờ.
Chào mẹ! Chào bố!
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện kỹ thuật số, những kẻ lừa đảo đã tìm ra các phương thức mới để đánh lừa người cả tin.
Theo NDTV, chỉ riêng trong năm 2022, đã có ít nhất 11.100 người ở Australia trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo mang tên "Chào mẹ/Chào bố!", với tổng số tiền bị đánh cắp lên tới 7,2 triệu USD. Đáng nói, quy mô của chiến dịch lừa đảo này đang có xu hướng lan rộng tới nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Điều gì đã khiến tin nhắn mở màn bằng 2 từ gọn lỏn "Chào mẹ/Chào bố!" trở thành cái bẫy khiến nhiều người dễ dàng sa vào như vậy?
Rất nhiều người đã rơi vào bẫy của chiêu trò lừa đảo "Chào mẹ/Chào bố".
Theo Regional Australia Bank, "Chào mẹ/Chào bố" là một dạng tin nhắn lừa đảo được gửi qua các ứng dụng nhắn tin văn bản hoặc các nền tảng mạng xã hội như Facebook Messenger, WhatsApp, Snapchat.
Kẻ lừa đảo luôn bắt đầu bằng nội dung "Chào mẹ/Chào bố" sau đó giả vờ là con cái của người nhận tin nhắn. Đối tượng của hình thức lừa đảo này thường là các ông bố/bà mẹ trên 55 tuổi.
Thường khi thấy con cái nhắn tin, các bậc cha mẹ sẽ không chần chừ mà phản hồi lại. Lúc này, kẻ lừa đảo – trong vai con của nạn nhân - sẽ nói rằng điện thoại cũ đã bị mất/hỏng/bị đánh cắp nên phải dùng số mới. Tiếp đó, hắn bịa ra một tình huống khẩn cấp để xin "cha mẹ" giúp đỡ.
Nội dung câu chuyện có thể biến hóa khôn lường nhưng mục đích chính của những kẻ lừa đảo vẫn là: Thuyết phục nạn nhân gửi tiền cho chúng càng sớm càng tốt.
Tại sao các nạn nhân bị thao túng?
Những kẻ lừa đảo đã sử dụng các chiến thuật cụ thể để thao túng nạn nhân gửi tiền mà không mảy may nghi ngờ hay phát sinh nhiều thắc mắc.
Chúng sử dụng các thông tin cá nhân đã thu thập được như tên gọi, mối quan hệ, địa điểm cụ thể để khiến cuộc trò chuyện chân thực hơn, đồng thời tạo cảm giác cấp bách khi nói với nạn nhân rằng sự việc cần được giải quyết ngay lập tức.
Thường thì những kẻ lừa đảo sẽ đề xuất thêm một số phương thức để nạn nhân có thể gửi tiền nhanh chóng, ví dụ như mua thẻ quà tặng chẳng hạn.
Kẻ lừa đảo luôn tạo ra các tình huống khẩn cấp để dụ nạn nhân chuyển tiền.
Dưới đây là 2 vài ví dụ mở màn câu chuyện của những kẻ lừa đảo:
Ví dụ 1:
- Kẻ lừa đảo: Chào mẹ!
- Nạn nhân: Sara hay Tim thế?
- Kẻ lừa đảo: Con Sara đây. Mẹ có nói chuyện được một chút không? Mic hỏng rồi, con chỉ nhắn tin được thôi!
Ví dụ 2:
- Kẻ lừa đảo: Chào mẹ!
- Kẻ lừa đảo: Con đây, con dùng số mới rồi, mẹ xóa số cũ đi nhé.
- Nạn nhân: Con là ai?
- Kẻ lừa đảo: Đứa con đáng yêu nhất của mẹ chứ còn ai nữa!
Chỉ với những tin nhắn đơn giản và "lươn lẹo" như vậy, những kẻ lừa đảo đã khiến hàng nghìn người mắc bẫy.
Bí kíp thoát bẫy lừa:
"Ông ngoại của con tên là gì"?
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu bạn nhận được một tin nhắn bắt đầu bằng các nội dung như "Chào mẹ/Chào bố!", "Mẹ ơi/bố ơi!" từ các số điện thoại lạ, đừng vội vàng cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào hoặc tiến hành các giao dịch chuyển tiền trước khi xác minh được danh tính của người nhắn tin.
Hãy đặt những câu hỏi mà chỉ người thân của bạn mới biết câu trả lời. Theo Daily Mail, một phụ nữ ở Sydney đã thoát được 'bẫy lừa' 5.000 USD vào phút chót, ngay trước khi ấn nút chuyển tiền nhờ sực tỉnh và nhắn tin hỏi kẻ lừa đảo: "Mà này, thế ông ngoại của con tên là gì?".
Điều quan trọng cần nhớ là, dù câu chuyện của "nhân vật con" nghe có tuyệt vọng hay thuyết phục đến đâu thì cũng đừng bao giờ gửi tiền trước khi xác minh danh tính. Hãy hoài nghi nếu thấy đối phương thúc giục, gia tăng áp lực để buộc bạn phải hành động ngay lập tức.