Khu trục hạm Curtis Wilbur đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hạm đội 7 Hải quân Mỹ ngày 20/5 cho biết khu trục hạm USS Curtis Wilbur thực hiện chuyến tuần tra "khẳng định các quyền và tự do hàng hải" gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
"Luật pháp quốc tế không cho phép đơn phương áp đặt bất cứ yêu cầu xin phép hoặc thông báo trước về việc đi qua vô hại", thông cáo của Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết,
Bộ Chỉ huy Chiến khu phía Nam của quân đội Trung Quốc cùng ngày cho biết nước này điều máy bay quân sự và chiến hạm bám theo Curtis Wilbur khi tàu hải quân Mỹ đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Khu trục hạm USS Curtis Wilbur di chuyển trên Thái Bình Dương tháng 7/2018. Ảnh: US Navy.
Trước đó, Hạm đội 7 hải quân Mỹ thông báo khu trục hạm Curtis Wilbur ngày 18/5 thực hiện "chuyến di chuyển bình thường qua eo biển Đài Loan", khẳng định hành động này phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là lần thứ 5 tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay.
"Chuyến đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép", thông cáo của hải quân Mỹ cho biết.
Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của Trung Quốc sau đó ra thông cáo cho biết lực lượng nước này theo dõi và giám sát chiến hạm Mỹ trong suốt hành trình, đồng thời bày tỏ phản đối. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết tàu khu trục Mỹ di chuyển theo hướng từ bắc xuống nam và "tình hình vẫn bình thường".
Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.
Mỹ gần đây điều tàu tới Biển Đông thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải thường xuyên hơn, nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực.
Khu trục hạm USS John S. McCain ngày 5/2 cũng di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lần đầu chiến hạm Mỹ thực hiện hải trình trên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ hồi tháng 12/2020 ra thông cáo cho biết "những yêu sách hàng hải bành trướng và bất hợp pháp tại Biển Đông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế cho các quốc gia liên quan".
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)Trở lại Thế giớiTrở lại Thế giớiChia sẻ ×