Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden có mối quan hệ thân thiết (Ảnh: AP).
Cuộc xung đột ở Ukraine đã giúp NATO đoàn kết hơn cũng như kích hoạt sự bùng nổ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và châu Âu.
Nhưng sau gần một năm thống nhất cùng chung chí hướng đối phó Nga, Mỹ và các đồng minh đối mặt với hậu quả tổn thất kinh tế ngay trước mắt.
Các quan chức châu Âu bắt đầu bày tỏ sự thất vọng trước sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Washington để đảm bảo an ninh và ổn định kinh tế.
Mỹ đã can thiệp để thay thế Nga trở thành một trong những nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất "lục địa già". Nhưng các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Washington có giá cao hơn nhiều, gây căng thẳng cho cơ sở sản xuất của châu Âu.
Lục địa này cũng cần sự hỗ trợ của Washington để củng cố khả năng phòng thủ và tránh đối đầu trực tiếp với Nga, động thái nếu leo thang sẽ đẩy châu Âu vào cuộc chiến đáng sợ với Moscow.
Và thực trạng căng thẳng này đang phủ bóng lên chuyến thăm hôm 30/11 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Mỹ, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ cuộc bầu cử đưa Tổng thống Biden lên nắm quyền.
"Điệu tango mới" trong quan hệ Mỹ - châu Âu
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington lần thứ hai của Tổng thống Pháp Macron. Năm 2018, ông Macron cũng là lãnh đạo thế giới đầu tiên được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mời dự quốc yến.
Chuyến thăm của ông Macron tới Mỹ lần này cũng đánh dấu sự trở lại các hoạt động ngoại giao truyền thống của ông Biden, sau thời gianhạn chế gặp gỡ lãnh đạo nước ngoài trong thời gian đại dịch Covid-19.
Các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Biden có mối quan hệ thân thiết với ông Macron, bất chấp những bất đồng giữa hai nước. Việc ông Biden chọn Pháp là quốc gia có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên cũng nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ với đồng minh lâu đời nhất.
Mối quan hệ giữa Paris và Washington từng đi xuống vào năm ngoái, khi Mỹ khiến Pháp mất hợp đồng cung cấp tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD nhưng "bóng đen" này nhanh chóng được hai bên giải quyết êm ấm.
Vì vậy, Tổng thống Biden tối 1/12 tiếp Tổng thống Macron tại Nhà Trắng bằng quốc yến đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, một bữa tiệc chiêu đãi có thể là cách chính quyền Tổng thống Biden gửi lời xin lỗi đến Pháp sau những tranh cãi liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm Australia.
"Đó là một sơ suất ngoại giao. Chúng ta nợ người Pháp một lời xin lỗi", Daniel Fried, cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách châu Âu dưới thời chính quyền tổng thống George W. Bush, nói.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Pháp, ông Biden cũng tìm cách tránh bị cho là đang gây sức ép lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy để đàm phán chấm dứt chiến tranh, lặp đi lặp lại một câu thần chú thường được các quan chức Nhà Trắng lặp lại: "Không nói gì về Ukraine".
Nhưng vẫn còn đó "bóng ma" căng thẳng phủ lên quan hệ hai nước, cũng như quan hệ cả Mỹ và châu Âu. Trước chuyến thăm, ông Macron coi Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ (IRA) - dự kiến có hiệu lực vào tháng 1/2023 - là mối đe dọa với ngành công nghiệp châu Âu, theo các quan chức Pháp.
Đạo luật mới gồm các khoản trợ cấp lớn và khấu trừ thuế cho các công ty đầu tư tại Mỹ. Gói hỗ trợ trị giá 369 tỷ USD từ chính quyền ông Biden, kết hợp với chi phí năng lượng cao ở châu Âu, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho EU. Chính những yếu tố này đang thúc đẩy các công ty châu Âu "di cư" sang Mỹ.
Các quan chức Pháp cho biết, các nhà sản xuất bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao của châu Âu đang bắt đầu nghĩ đến việc chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ để hưởng trợ cấp nhờ nguồn cung cấp nhiên liệu rẻ hơn.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire chỉ trích kế hoạch của Mỹ "gây nguy hiểm cho sân chơi bình đẳng" và làm tăng nguy cơ xảy ra "cuộc chiến thương mại mới".
Giới chuyên gia cho rằng, luật mới của Mỹ có thể kích hoạt làn sóng phi công nghiệp hóa ở châu Âu.
Trong khi Pháp dẫn đầu nỗ lực chống lại IRA, các nước EU khác cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, gửi khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi cho rằng, biện pháp này vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, do phân biệt đối xử không công bằng với các nhà sản xuất nước ngoài.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mô tả gói hỗ trợ của Washington là quá mức và thu hút đầu tư từ châu Âu. Các quan chức châu Âu cho rằng, những biện pháp này gây tổn hại cho nhiều sản phẩm do lục địa này sản xuất, ví dụ như pin hay ô tô điện không đủ điều kiện nhận khấu trừ thuế.
Các quan chức Nhà Trắng thừa nhận, vấn đề này là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của hai Tổng thống, nhưng vẫn chưa giải quyết được.
Trước khi đến Mỹ, ông Macron cũng đã tổ chức một bữa tối tại dinh tổng thống Elysee cho hàng chục giám đốc điều hành của các công ty bao gồm cả nhà sản xuất ô tô Đức Bayerische Motoren Werke AG, các nhà sản xuất dược phẩm của Anh. "Chúng ta cần một Đạo luật giống như Mỹ", ông Macron nói vào tháng trước.
Theo giới chuyên gia, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang bắt đầu trở nên căng thẳng hơn trước khi bùng nổ chiến sự ở Ukraine.
Trong khi đó, các lãnh đạo châu Âu đang tìm cách gây sức ép để Mỹ tham vấn và phối hợp với họ trước khi đưa ra bất cứ quyết định chiến lược nào có ảnh hưởng lớn tới EU hay mối quan hệ liên minh. "Chúng ta phải thức tỉnh", ông Macron cảnh báo.
Theo Wall Street Journal