Da khỏe là làn da mịn, đều màu, căng chắc, có độ ẩm tốt, chịu được tác động của các yếu tố bên ngoài và không có bệnh đang hoạt động. Làn da này đảm bảo chức năng tối ưu của nó với lớp thượng bì hoàn hảo, có quá trình đổi mới - sửa chữa đều đặn và liên tục; không sản xuất bã nhờn, không bị viêm, không bị khô và đặc biệt là không nhạy cảm.
Nếu bạn may mắn có làn da như trên thì có thể không cần can thiệp hoặc nếu có thì chỉ nên bảo vệ nó trước các tác động bất lợi bên ngoài (tai nạn, bỏng, xăm, vi trùng...) và bên trong cơ thể (dinh dưỡng kém, bệnh lý hệ thống, phản ứng miễn dịch dị ứng...).
Nhưng nếu da không có những đặc điểm như mô tả trên thì đó là một làn da đang biến đổi và suy giảm. Bạn cần có một kế hoạch hoàn chỉnh cho việc phục hồi sức khỏe làn da. Trong đó phải hiểu làn da của mình đang bị yếu tố nào gây suy giảm sức khỏe làn da để phòng tránh và điều trị trước.
Thế nào là suy giảm sức khỏe làn da?
Trong giai đoạn từ 10 - 30 tuổi, bạn thấy làn da mình biến đổi. Da sản xuất nhiều bã nhờn hơn, có người rất nhiều. Quá trình viêm diễn ra một cách thường xuyên dẫn đến những thay đổi về sắc tố da. Lỗ chân lông thường giãn rộng, nhất là hai má phía dưới mắt và cánh mũi. Kết cấu của da cũng không đồng đều, gây cảm giác sần sùi khi sờ vào. Lớp thượng bì cũng có sự bất thường, sự thay đổi mới của tế bào diễn ra có thể ngắn hoặc dài hơn và đặc biệt là có bệnh về da đang hoạt động.
Sau 30 tuổi, những thay đổi về kết cấu da bắt đầu trở nên rõ nét. Sự phá hủy và giảm tổng hợp collagen và elastin là sự dàn hồi của da suy giảm. Thể hiện ra bên ngoài mà ta có thể nhìn được chính là dấu hiệu của lão hóa, xuất hiện các nếp nhăn, chảy xệ. Sự sụt giảm glycoaminoglycan dẫn đến da không còn căng bóng và ẩm. Chức năng bảo vệ của thượng bì suy giảm mạnh, quá trình viêm diễn ra thương xuyên và xuất hiện nhiều chứng bệnh về da, như nám, dày sừng ánh sáng, dày sừng da dầu, viêm da tiết bã...
Ảnh minh họaNguyên nhân nào gây suy giảm sức khỏe làn da?
Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm sức khỏe làn da. Chỉ khi bạn được xác định rõ yếu tố nào đang gây tổn hại da, bạn mới có được kế hoạch phục hồi sức khỏe làn da một cách hoàn hảo và đỡ tốn kém. Các yếu tố này bao gồm:
- Có sự bất thường ở nang lông và tuyến bã, gây nên sự tiết dầu quá mức.
- Có sự tác động của ánh nắng tới các tế bào da, trong đó có gây nên sự bất thường trong chức năng của tế bào sắc tố.
- Quá trình viêm của da diễn ra quá dài do mụn, do các kỹ thuật điều trị, do kích ứng của các thuốc điều trị, do những tiếp xúc dị ứng, thậm chí do những biến chứng của các thủ thuật trẻ hóa da hay phẫu thuật thẩm mỹ.
- Có sự lạm dụng của các thuốc mà điển hình là sử dụng kéo dài corticoid bôi. Ngoài ra còn có sự tác động của các thuốc mà vốn được sử dụng để điều trị các căn bệnh của cơ thể nói chung.
- Các bệnh nan y như bệnh hệ thống, bệnh rối loạn hay tổn thương hệ miễn dịch, thậm chí yếu tố gen cũng tham gia vào việc gây suy giảm sức khỏe làn da, các bệnh này thực sự khó kiểm soát.
Phục hồi sức khỏe làn da như thế nào?
Sau khi xác định được các yếu tố ảnh hưởng hại tới làn da, chúng ta cần thiết lập kế hoạch phục hồi làn da một cách chi tiết. Kế hoạch bao gồm các bước theo trình tự sau:
- Bình thường hóa bề mặt da: Đây là bước đầu tiên, bao gồm làm sạch da, tẩy da chết, cân bằng pH và độ ẩm, kiểm soát dầu. Bước này giúp da trở thành trạng thái không gây ra các rối loạn khi thực hiện các bước tiếp theo của phục hồi da.
- Tăng sự đổi mới của lớp thượng bì: Bước này giúp tăng khả năng đổi mới của thượng bì để phục hồi và duy trì hàng rào chức năng, bình thường hóa màu da và sắc tố. Tùy tình trạng thực tế mà các mỹ phẩm hay sản phẩm trị bệnh da đặc hiệu sẽ được sử dụng. Các sản phẩm có thể dùng đơn độc hay kết hợp tùy theo tình trạng da và bệnh lý đang hoạt động tại vùng da đó.
- Điều hòa sự ổn định của da: Bước này vừa điều hòa, vừa kích thích tăng sinh và vừa sửa chữa - kiểm soát chức năng tế bào cả lớp thượng bì và trung bì.
- Kích thích làn da: Sau khi làn da đã khá ổn định, có thể tiến hành các kích thích để phục hồi tối đa sức khỏe làn da. Lợi ích của việc kích thích là lớp trung bì tăng sản xuất collagen và giảm hoạt động của enzyme phân hủy collagen (collagenase) làm da dày chắc và đàn hồi tốt, tăng glycoaminoglycans giữ ẩm làm da căng.
- Sửa chữa rối loạn sắc tố da: Y khoa chữa tăng sắc tố da bằng cách thức ức chế tổng hợp melanin ở tế bào hắc tố và tăng cường đào thải sắc tố trong tế bào sừng, và sau đó là tăng cường bảo vệ da tránh kích thích tế bào hắc tố hoạt động do ánh sáng mặt trời.
- Dưỡng ẩm và làm dịu da: Sản phẩm dưỡng ẩm cơ bản là đệm phức hợp của nước, lipid, và protein ở vùng gian bào giữa các tế bào sừng có tác dụng làm dịu, chống viêm, chống oxy hóa và sửa chữa DNA.
- Tránh nắng và chống nắng: Chống nắng bằng các phương pháp vật lý và hóa học, che chắn để không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng luôn ưu tiên. Da ổn định, thượng bì sẽ có khả năng chống chịu nắng tốt hơn và phòng tránh được ung thư da khi có tuổi.
Trên đây là những nguyên tắc phục hồi sức khỏe làn da. Tuy nhiên, những tình trạng da khác nhau thì cũng áp dụng khác nhau bằng cách tập trung vào một bước cụ thể nào đó.
-->8 bí kíp chăm sóc da mùa hanh khô tại nhà
Theo Sức khỏe & Đời sống