1. Trà túi lọc
Những túi trà mua ở siêu thị, đặc biệt là trà đen chứa nhiều chất tannin có tác dụng tốt trong việc loại bỏ vi khuẩn gây mùi.
Trong trà đen có chứa nhiều tannin, thấm hút và khử mùi hiệu quả. Ảnh: wikihow.
Bạn lấy 2 túi trà, ngâm nước nóng 2-3 phút, vớt ra để nguội rồi đặt vào trong giày. Tùy vào mức độ mùi mà có thể tăng số lượng túi trà. Chất tannin trong trà sẽ thấm vào giày, đánh bay vi khuẩn và mùi hôi cố hữu. Để túi trà từ 1-2 tiếng, sau đó sấy hoặc để giày khô trong điều kiện tự nhiên rồi sử dụng bình thường.
Cách khác là cho trực tiếp túi trà khô vào trong giày, cũng giúp hút ẩm và hút mùi rất tốt.
2. Tinh dầu
Để khử mùi tạm thời, tinh dầu có thể được coi là cứu tinh. Dùng tăm bông thấm tinh dầu rồi bôi đều lên toàn bộ bề mặt của lót giầy, hoặc có thể nhỏ trực tiếp. Tránh bôi lem ra các phần ngoài của giày vì có thể tạo các mảng ố, mất tính thẩm mỹ.
Muốn có hiệu quả cao hơn, kết hợp sử dụng tinh dầu và baking soda (bột nở). Bôi một lượng nhỏ hỗn hợp tinh dầu và baking soda lên lót giày. Hoặc nhỏ tinh dầu lên một tờ giấy báo, vo tròn lại rồi đặt trong giày vài tiếng hoặc qua đêm. Hương tinh dầu sẽ bám lại lâu hơn, mùi hôi cũng không còn nữa.
3. Cát vệ sinh cho mèo
Tính năng nổi trội của cát vệ sinh cho mèo chính là hút ẩm và hút mùi hiệu quả. Hãy cho cát vào 2 chiếc bít tất (vớ) rồi đặt vào trong giày. Có thể đổ trực tiếp cát vào giày, tuy nhiên cách này có nhược điểm là gây khó khăn trong việc vệ sinh sau này. Ngoài ra, có thể thêm banking soda trộn lẫn cát mèo, càng tăng tính khử khuẩn, khử mùi.
Nếu nhà có nuôi mèo, cát cho mèo cũng là nguyên liệu tốt để khử mùi cho những chiếc giày hôi. Ảnh: wikihow.
Với cách làm này, chỉ sau một đêm, cát mèo phát huy tác dụng, giày sẽ hết mùi khó chịu. Tuy nhiên, hãy thử hiệu quả bằng cách bỏ tất ra và kiểm tra giày hết mùi chưa. Nếu chưa, hãy làm lại một lần nữa.
4. Thuốc xịt khử trùng
Đây là cách làm khá lạ với nhiều người, nhưng lại phát huy tác dụng không ngờ. Trong môi trường ẩm ướt và tối tăm, các loại nấm mốc phát triển cực thịnh. Giày đi lâu ngày cũng là môi trường lý tưởng cho chúng sinh sôi, từ đó phát sinh các loại mùi hôi. Bởi vậy, dùng các loại thuốc xịt khử trùng, khử khuẩn cũng sẽ đảm bảo giày hết nấm mốc.
Khi xịt, nên luồn sâu vào phía bên trong giày, từ phía mũi chân. Cách làm này sẽ khiến toàn bộ đôi giày được vệ sinh. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để khô phần thuốc vừa xịt, không nên sử dụng luôn tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Bạn có thể sấy khô hoặc phơi giày dưới ánh nắng mặt trời.
5. Túi nhựa và tủ đông
Cho giày vào túi nhựa có khóa zip, khóa chặt tuyệt đối, sau đó cho vào ngăn đá tủ lạnh hoặc tủ đông. Nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn gây mùi hôi chân rất yếu khi gặp lạnh. Chúng dễ bị tiêu diệt nếu phải chịu lạnh từ 12-24 giờ.
Sau khi lấy giày ra khỏi tủ, làm khô bằng cách sấy hoặc để khô tự nhiên. Tốt nhất nên để khô trong không khí, bởi sấy nhiều sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ của giày.
Vy Trang (Theo wikihow)Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×